Tiến trình tôn phong Hiển thánh Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Giai đoạn mở án điều tra

Ngày 16 tháng 9 năm 2007, giám mục Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình viết kinh xin ơn cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận:[31]

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng có đời đời, là Cha và Con và Thánh Thần, con cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh gương chứng tá anh dũng của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Kinh nghiệm khổ đau trong ngục tù, được ngài sống liên kết với Chúa Kitô chịu đóng đinh, dưới bóng che chở hiền mẫu của Mẹ Maria, đã rèn luyện ngài nên một chứng nhân sáng ngời cho Hội Thánh và toàn thế giới, về sự hiệp nhất và tha thứ, cũng như về công lý và hòa bình. Con người dễ thương mến cùng với sứ vụ mục tử giám mục của ngài tỏa chiếu rạng ngời ánh sáng của đức tin, nhiệt tâm của niềm hy vọng và sức sống nồng ấm của đức ái. Giờ đây, nhờ lời bầu cử của ngài và theo thánh ý Chúa, xin Chúa ban cho con được ơn đang cầu khẩn, với niềm hy vọng thấy ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ. Amen!

Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Giáo hội Công giáo Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên chân phước và tuyên thánh cho cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận.[3] Cùng ngày, từ dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, trong buổi triều yết, Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói:[2] Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. ĐHY Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngài đã soạn thảo bản Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của ngài... Đức Hồng y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng, ngài phổ biến niềm Hy Vọng cho tất cả những ai ngài gặp gỡ. [...] Đức Cố Hồng y Phanxicô thường nhắc lại rằng: Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc âm. [...] Đây là lần đầu tiên có một người Việt Nam được khởi sự án tuyên chân phước mà không phải là một tín hữu tử đạo.[32] Theo tiến trình phong thánh của Giáo hội Công giáo Rôma thì Hồng y Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Đấng đáng kính (một trong bốn bậc tôn phong thánh: Tôi tớ Chúa, Đấng Đáng kính, Chân phước, Hiển thánh).

Vào sáng ngày 22 tháng 10 năm 2010, Hồng y Peter Turkson, chủ sự lễ cầu nguyện cho cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Tham dự thánh lễ có các thành viên thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, các Hồng y, Giám mục, linh mục, thân nhân, bạn hữu của Hồng y Thuận. Tiếp đến, vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, tại Phòng Hòa Giải trong Dinh Laterano ở Roma, một phiên họp chính thức mở cuộc điều tra án tuyên chân phước và tuyên thánh cho cố hồng y.[33] Nghi thức bắt đầu bằng một bài Thánh ca, sau đó là việc đọc biên bản. Tiếp đến, Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Rôma tuyên bố chính thức mở Án điều tra.[2][33]

Kết thúc giai đoạn tuyên chân phước tại giáo phận

Ngày 5 tháng 7 năm 2013, người Công giáo Việt Nam tổ chức lễ bế mạc của các giai đoạn giáo phận của tiến trình tuyên chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Mặc dù ông chưa được tuyên thánh, nhiều tín hữu Việt Nam đã coi ông là một vị thánh và xem ông như một biểu tượng của Giáo hội Việt Nam.[34]

Tuy nhiên, tiến trình tuyên chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị chính quyền Việt Nam phản đối và cản trở. Có ý kiến từ giới trí thức Công giáo người Việt ở nước ngoài cho rằng, chính án tù kéo dài mà Hồng y Thuận phải chịu sau năm 1975 ở Việt Nam là một vấn đề.[35] Chính quyền đã ngăn chặn nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức, một nhân chứng trong tiến trình phong chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khi ông đang lên máy bay đi Roma theo lời mời của Tòa thánh Vatican tham dự lễ "Bế mạc phần điều tra tại địa phương" trong hồ sơ phong chân phước và hiển thánh cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.[36][37]

Thánh bộ Vatican sẽ xem xét hồ sơ và nếu mọi việc thuận lợi thì ông có thể sẽ được tuyên chân phước, và sau đó cũng có thể được tuyên thánh. Jean-Marie Schmitz, chủ tịch hiệp hội Bạn hữu Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cho biết có ba phép lạ được xem là của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong đó có một nữ tu bị mù đã được sáng mắt.[38]

Được công nhận danh hiệu Đấng đáng kính

Ngày 3 tháng 5 năm 2017, Uỷ ban Hồng y và Giám mục thuộc Bộ Tuyên Thánh tại Vatican đã vừa biểu quyết chấp nhận Án tuyên thánh của Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, vì thế sắp tới Giáo hoàng Phanxicô sẽ công bố Sắc chỉ nâng cố Hồng y Thuận lên bậc Đấng Đáng Kính. Với bước ngoặt này, Hồng y Thuận sẽ tiến gần hơn đến việc được phong Chân phước và cuối cùng là được tuyên Thánh.

Ngày 4 tháng 5 năm 2017, Giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn các sắc lệnh của Bộ Tuyên thánh, tiến thêm một bước trong án tuyên thánh cho cố hồng y Nguyễn Văn Thuận. Giáo hoàng tuyên bố Hồng y Thuận là Đấng đáng kính.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận http://www.catholicweekly.com.au/01/mar/18/story_1... http://www.catholicworldreport.com/Item/2833/cardi... http://www.daughtersofstpaul.com/cardvanthuan/bio.... http://ghxhcg.com/article.aspx?id=1991 http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=741 http://www.youtube.com/playlist?list=PLcx3AxCBq_KW... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb122249835